21 thg 7, 2013

Phố Biển Quy Nhơn


Quy Nhơn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Bình Định, một bên là biển Đông vỗ về, 1 bên là núi biếc trùng điệp trải dài theo hình cánh cung, ôm lấy bờ biển cát vàng óng ánh như tình nhân. Một bên là biển rộng sóng vỗ rì rào, một bên là các dãy khách sạn, khu resort cao cấp hướng mình đón gió biển. Từ đây, có thể nhìn thấy những hàng dừa xanh đu đưa theo gió, phóng tầm nhìn ra xa một chút sẽ thấy một màu xanh đại dương tươi mát hòa với màu trời trong vắt như ngọc.


Quy Nhơn là thành phố tỉnh lị tỉnh Bình Định, Trung Bộ, Việt Nam và là một trong 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Là một thành phố ven biển miền Trung, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học kĩ thuật và du lịch của tỉnh Bình Định. Trước khi thuộc về Việt Nam, Quy Nhơn là đất của người Chăm-pa. Các di tích của người Chăm vẫn còn ở thành phố biển trẻ trung này



thành phố Quy Nhơn lung linh về đêm

Quy Nhơn có nhiều thế đất khác nhau, đa dạng về cảnh quan địa lí như núi rừng, gò đồi, đồng ruộng, ruộng muối, bãi, đầm, hồ, sông ngòi, biển, bán đảo và đảo. Bờ biển Quy Nhơn dài 42 km, diện tích đầm, hồ nước lợ lớn, tài nguyên sinh vật biển phong phú, có nhiều loại đặc sản quý, có giá trị kinh tế cao… Các ngành kinh tế chính của thành phố gồm công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, nuôi và khai thác thuỷ hải sản, du lịch. Vừa mở thêm khu kinh tế Nhơn Hội.





Cầu Thị Nại vượt biển


Quốc lộ 1A chạy qua Quy Nhơn theo hướng Bắc Nam,dài 15.6 km, cách trung tâm 15km về hướng tây thành phố. Quốc lộ 1D nối thành phố Quy Nhơn với huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên dài 24.5km. Quốc lộ 19 nối Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên với Quy Nhơn.


Ga Quy Nhơn nằm ngay trung tâm thành phố, là một nhánh của tuyến đường sắt Bắc-Nam hướng từ ga Diêu Trì. Ga không phải là ga lớn, chủ yếu vận chuyển hành khách và hàng hóa lên đến ga chính là ga Diêu Trì. Tuy nhiên, hiện nay ngành đường sắt đã đưa vào sử dụng đôi tàu địa phương SQN1/2 Golden Train chạy từ ga Quy Nhơn đến ga Sài Gòn và ngược lại hàng ngày giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi tàu. Vào các dịp cao điểm như lễ, tết hoặc hè, một số đôi tàu nhanh khác cũng được vào sử dụng tại ga như Quy Nhơn – Nha Trang, Quy Nhơn -Vinh…Tại đây còn bán vé Tàu Thống Nhất và tàu khách địa phương
Các điểm du lịch hấp dẫn của Quy Nhơn


Tuy không phải là thành phố trọng điểm về du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng nhưng Quy Nhơn sẽ là điểm đến đầy thú vị và mới lạ với những người đam mê khám phá. Với những bãi biển dài hoang vắng, với những đền tháp Chămpa cùng với những sản vật phong phú và điều quan trong không kém đối với khách du lịch Quy Nhơn đó là giá cả ở đây khá hợp lý và không bị chặt chém.


Từ bến xe khách bạn chỉ cần đi khoảng 1km là ra tới biển với nhiều khách sạn 3-4 sao sang trọng và có vị trí đẹp như Hải Âu, Hoàng Yến, resort Hoàng Anh Gia Lai. Nhưng bạn muốn có mức giá tốt hơn thì có thể đi vào bên trong thành phố 1 tý với giá phòng từ 180k/ ngày đếm 250k/ngày


Sau khi đã ổn định chổ ở bạn nên đi dạo thành phố một vòng bằng xe máy, tp Quy Nhơn không lớn lắm, một buổi sáng là bạn có thể dạo thăm và chụp ảnh tại vài nơi như: Tháp đôi, Cầu vượt biển Thị Nại, Quảng trường vòng xoay Quang Trung ( gần khách sạn Thanh Bình).





Tháp đôi Quy Nhơn


Sau khi chọn cho mình một chỗ dừng chân bên bờ biển, du khách có thể bắt đầu chuyến du lịch với bãi tắm Hoàng Hậu nên thơ dưới chân đồi Thi Nhân.


Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn tầm 2 đến 3 Km, nằm trong khu du lịch Ghành Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu đẹp một cách kiêu sa, đài cát. Bãi tắm Hoàng Hậu hay còn gọi là bãi Trứng là một bãi biển rộng lớn với những viên đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng với đủ mọi kích cỡ xếp lên nhau trên bãi biển. Phía trước bãi là những tượng đá thiên nhiên chắn sóng, tạo nên 1 vùng nước lặng. Quý khách có thể tắm biển, xây lâu đài cát hoặc nhặt những viên đá lạ mắt về làm quà cho người thận.





Bãi biển hoang sơ trên đường vào bãi tắm Hoàng Hậu


Cao cao phía trên bãi tắm Hoàng hậu là đồi thi nhân, nơi đặt mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử. Đồi thi nhân tĩnh lặng, đắm mình trong không gian thơ mộng và chan chứa tình. Hàng năm, vào ngày tết nguyên tiêu(ngày 15 tháng 1), đồi thi nhân lại tổ chức lễ hội thơ để vừa tưởng nhớ nhà thơ Hàn Mạc Tử, Yến Lan vừa vinh danh những tài năng thơ phú của tỉnh nhà





Bãi trứng đá


Dưới chân đồi Thi nhân là làng phong Quy Hòa. Ở đây có hàng trăm ngôi nhà của các bệnh nhân phong được xây dựng từ hơn 80 năm trước. Mỗi ngôi nhà có 1 kiến trúc riêng, nhưng tất thảy đều toát lên vẻ mộc mạc, giản dị và yên bình đến nao lòng người. Có thể nói, khu điều trị phong Quy Hòa là một trong những bệnh viện đẹp và độc đáo nhất thế giới.





Làng phong Quy Hòa, nơi nhà thơ Hàn Mạc Tử có thời gian chữa bệnh và yên nghĩ tại đây


Trong làng phong Quy Hòa còn có khu vườn tượng độc đáo. Những bức tượng bán thân của các danh y lỗi lạc được đặt cạnh nhau dưới bóng phi lao rì rào vừa toát lên vẻ uyên bác, vừa lại thanh bình quá đỗi.





Vườn tượng danh y nằm trong khu vườn của trại phong


Đến Quy Nhơn mà không 1 lần đặt chân lên cầu Thị Nại là 1 điều vô cùng thiếu sót. Đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nằm trong hệ thống cầu đường Nhơn Hội dài gần 7 Km nối liền thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai.


Người Quy Nhơn mỗi khi muốn ngắm nhìn thành phố sẽ chạy xe lên con đường Quy Nhơn-Sông Cầu. Từ trên cao phóng tầm mắt xuống sẽ thu về toàn cảnh thành phố nhỏ bé yên bình như tranh vẽ, trong đáy mắt là một màu xanh của cây trái mượt mà, xanh của biển rộng, trong vắt màu trời.





Cầu thị Nại Quy NHơn về đêm


Đêm Quy Nhơn không ồn ào, toàn thành phố chìm trong ánh đèn vàng dịu dàng ấm áp. Thành phố về đêm như đóa hoa quỳnh âm thầm nở bung, khoe ra vẻ đẹp kiều diễm cùng hương thơm ngọt ngào. Du khách có thể chọn cho mình 1 quán café bên bờ biển để ngắm nhìn biển đêm điểm xuyến ánh đèn đánh cá ngòai khơi lấp lánh.


Bãi biển cũng là 1 nơi thú vị về đêm với các trò chơi tập thể như đốt lửa trại, kéo co, hay đơn giản chỉ là những bữa tiệc barbecue bên bờ biển, cùng gia đình người thân quay quần nướng lên những món hải sản thơm lừng.





Đêm Quy Nhơn


Những người yêu nhau lỡ ghé chân đến Quy Nhơn vào đêm trăng rằm sẽ không bỏ lỡ cơ hội nắm tay nhau bước đi trên bờ cát trắng mịn màng, dưới ánh trăng vàng tận hưởng dư vị ngọt ngào, lãng mạn của tình nhân.


Cù lao xanh


Đã đến Quy Nhơn rồi nhất định phải đi cù lao xanh. Cù Lao Xanh còn gọi là đảo Vân Phi là một hải đảo nằm gần vịnh Xuân Đài, thuộc xã Nhơn Châu cách thành phố Quy Nhơn chừng 13 hải lý về phía Đông Nam.





Cù lao xanh Quy Nhơn


Du khách có thể đến mũi Hàm Tử để đón thuyền ra Cù Lao Xanh, mất khoảng gần 2h đồng hồ là có thể đặt chân lên cù lao xanh mướt một màu này.


Không biết cái tên “Cù lao xanh” có tự bao giờ, chỉ biết rằng trên bản đồ địa chính quốc gia nó nhỏ hơn một hạt đậu xanh nổi trên mặt biển.


Thập Tháp Di Đà Tự, danh lam trời Việt


Thập Tháp Di Đà Tự thuộc vào hàng chùa chiền ra đời sớm ở Đàng Trong, tính đến nay đã hơn ba trăm năm, từ 1677. Mười ngôi tháp yểm hậu của người Chàm trên khu gò phía bắc thành Đồ Bàn đã gãy đổ nhưng còn in đấu trong địa danh xứ sở này, tương truyền do đó mà thiền sư Nguyên Thiều, người sáng lập chùa dùng làm tự danh. Chùa nằm trên đồi Long Bích, mặt hướng về núi Mò O, là vùng Lãng Uyển của vua chúa Chiêm Thành xưa. Nay hãy còn các Giếng Vuông và Hồ Sen xây bằng đá ong to đặc trưng trong xây dựng Chàm. Di Đà là tên một vị Phật mà các Phật tử làm cửa miệng trong câu chào hỏi: “Nam mô A Di Đà Phật”. Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1715) là vị tổ thứ 33 thiền phái Lâm Tế Chánh Tông, dừng chân nơi đây trên đường truyền đạo với một ngôi lều cỏ đơn sơ được dựng lên. Bảy năm sau, 1683, nhà chùa và bổn đạo dùng gạch đá của mười ngôi tháp đổ dựng lên chùa thay ngôi lều cỏ cũ nát.






Mùa sen Chùa Thập Tháp




Chùa Thập Tháp, như một số ngôi chùa khác ở Việt Nam, đã mất mát khá nhiều di sản vật thể cũng như phi vật thể, qua các cuộc chiến chinh ly loạn. Nhưng những gì lưu giữ được, cũng chứng minh một cách hùng hồn giá trị của Tổ Đình mà ai muốn nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội nói chung, lịch sử tôn giáo nói riêng ở Đàng Trong thời kỳ này cũng phải để tâm khảo cứu.


Hầm Hô – lâm viên du lịch hoang dã


Hầm Hô là khu di tích danh lam thuộc thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, Hầm Hô còn có địa thế hiểm yếu, là căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, Nghĩa Bình Cần Vương chống Pháp của Mai Xuân Thưởng. Đây cũng là địa bàn những năm chống Mỹ cứu nước.Ngày 17-2-1995 UBND Bình Định đã ra Quyết định số 287/QĐ-UB công nhận khu danh thắng Hầm Hô và cho đăng ký khoanh vùng bảo vệ với diện tích 150.000 km2. Là một thắng cảnh nổi tiếng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, nhưng Hầm Hô hấp dẫn không phải bởi những công trình xây dựng nguy nga tráng lệ do bàn tay con người tôn tạo.





Một góc Hầm Hô thắng cảnh Bình Định


Theo người dân địa phương, mùa xuân là thời điểm đẹp nhất trong năm nếu muốn đến vãn cảnh Hầm Hô. Vào những ngày cuối đông, trời giáp Tết vẫn còn se lạnh, lúc đó sẽ có hàng vạn du khách tới Hầm Hô trên lối mòn ngoằn ngoèo dọc suốt bên sông. Du khách mua vé thuyền 5.000đ/người/1ượt để đi tới Bờ Ðập. Sau đó, ngược dòng sông, qua thắng cảnh lộng lẫy như Vực Sặc, Vực Bà, Vực Hòm, Ðá Cháy, Thác Hai, Thác Ba, Ðỉnh Sương Mù, Làng Cát…, những nơi tận cùng dòng sông Kút giáp với tỉnh Phú Yên và Gia Lai, du khách có một cảm giác thú vị và hiếu kỳ về một chuỗi vô tận của thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ.


Bảo tàng Vua Quang Trung


Tọa lạc ở huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 60km, giáp với huyện An Khê (Gia Lai), Bảo tàng Quang Trung chứa đựng bao điều bí ẩn của lịch sử. Nằm bên cạnh đền thờ là khu vực bảo tàng. Đây chính là nơi du khách được giới thiệu một cách sâu sắc nhất về nhà Tây Sơn.





Bảo tàng Vua Quang Trung
Ẩm Thực Quy Nhơn


Nói đến ẩm thực Quy Nhơn phải nói đến các món chả cá như: bún chả cá, bún riêu, bánh tráng chả cá cuộn rau rắm, bánh canh chả cá, bánh cuốn chả cá. Mỗi thứ đều có một vị ngon riêng.





Bún chả cá





bánh canh chả cá





chả cá cuộn rau răm


Ngoài ra còn có Nem chả cũng là đặc sản không thể bỏ qua khi bạn đến thăm Quy Nhơn, hương vị thịt chua đặc trưng quyện với mùi lá ổi và hạt tiêu thật khó có thể cưỡng lại, tuyệt vời hơn nếu bạn ăn nem tươi (chưa chua) nướng lụi. Có một điểm đáng chú ý về món nem chua của Bình Định đó là thịt làm nem phải là thịt heo nóng, có nghĩa là khi làm nem chỉ có thịt heo mới mổ miếng thịt còn nóng mới cho vào cối quết và để chua thành nem. Khác với nem chua trong Miền Nam bể và toàn bì, nem chua Quy Nhơn dai mềm hơn và khâu chọn thịt làm nem cũng kỳ công hơn nếu thịt không tươi không nóng thì nem sẽ hư.


Khi đã no bữa với các món chính, bạn cũng nên thử qua một vài món ăn nhẹ như bánh xèo, bánh bèo. Bánh xèo tôm nhảy cũng là một đặc sản mang đậm nét miền biển và làm nên thương hiệu ẩm thực của Bình Định





bánh xèo tôm nhảy


Để thật sự khám phá ẩm thực Quy Nhơn, bạn hãy đến khu ăn đêm bình dân trên đường Trần Độc, có thể mất 2-3 đêm để bạn có thể thưởng thức hết món ngon ở nơi đây


Ngoài các món bình dân các bạn có thể thưởng thức các món hải sản khác như: Cua Huỳnh Đế, Cá chua, tôm vổ hay cá chình





Cua Huỳnh Đế Quy Nhơn





Tôm vổ


Bài đăng được sưu tầm từ nhiều nguồn không thể không thiếu sót về các điểm du lịch đặc trưng khác cũng như những món ăn nổi tiếng khác mà chúng tôi sơ xót bỏ qua mong các bạn góp ý để hoàn thiện hơn xin cảm ơn


chaca.vn

.

.

=============================

đăng bởi: e.whoiswho



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...