26 thg 1, 2012

Dê là con vật độc đáo

Dê là con vật độc đáo, không những có giá trị y thực phục vụ sức khỏe cho dân chúng, 
mà còn rất tiện ích cho hậu cần quân sự.



...Cho đến một buổi trưa ông Ưng Viên(*) đãi tôi ăn món thịt dê do chính ông nấu. Tôi chưa bao giờ được ăn món thịt dê ngon như vậy. Nó ngon dĩ nhiên là do sự thiện nghệ của người nấu, nhưng nó còn ngon hơn vì câu chuyện được nghe. 

Ông Ưng Viên nói một trong những thứ mà Chúa Tiên mang vào Nam là những đàn dê, việc này do chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đề nghị. Dê là con vật độc đáo, không những có giá trị y thực phục vụ sức khỏe cho dân chúng, mà còn rất tiện ích cho hậu cần quân sự. Dê dễ nuôi, có thể dẫn các đàn dê theo quân, khi có chiến sự chúng ở đâu nằm im ở đó không chạy nhặng xị như trâu bò gà vịt, lại dễ phân phối trong quân, một con dê có thể phục vụ gọn bữa ăn cho một “tiểu đội”. Cha ông của ông Ưng Viên dặn dò con cháu ngoài việc nhớ ơn và thờ phụng tổ tiên mình, còn phải nhớ ơn và thờ phụng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đề xuất với Chúa Nguyễn từ chiến lược chiến thuật, từ chuyện quân cơ, hậu cần cho đến những chuyện cụ thể liên quan đến bảo vệ sức khỏe cho quân dân như món ăn, bài thuốc để làm hành trang Nam tiến. Trong đó có chuyện “dụng trầm”.


(*) sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính”, là bộ sách y dược gia truyền của cung đình Nhà Nguyễn (sách hiện được lưu giữ tại gia đình ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, cháu gọi vua Minh Mệnh bằng ông cố)



Hiện lượng dê ở nước ta có nhiều giống: dê cỏ, Bắc thảo du nhập từ thảo nguyên Trung Quốc, Bo nhập của Mỹ... Vùng nguyên liệu dê lớn nhất cả nước vẫn là Ninh Thuận, Bình Thuận. Nơi có nhiều bãi cát vàng thơ mộng nhưng nóng như thiêu đốt, nhất là vào mùa nắng.


Tuy vậy, những chú dê cỏ vẫn kiên trì chạy đi tìm cây bàn chải lởm chởm gai nhọn – lỡ vướng phải mũi thường gãy trong thịt và làm độc - nhai ngon lành. Gặp cây keo gai, so đũa, mũ trôm, đọt tra, bụi mắc cỡ... chúng mừng như được ăn cỗ. Toàn những cây cỏ trội chất đắng cay, song ít nhiều chứa vài vị thuốc Nam bổ ích cho cả dê lẫn người như: trợ tiêu, giúp gan giải độc...
Nhọc nhằn “hầu thầy”
Dê rất thích rong chơi, phá phách nên đôi khi khiến người chăn phải dở khóc dở cười. Một đồng nghiệp đàn anh, quê Bến Tre, kể rằng, thuở nhỏ anh từng chăn bầy dê 10 con. Có tháng, nhà anh phải đền 2 - 3 mặt tủ kiếng cho hàng xóm.
“Đám quỷ đó chạy nhanh như ngựa. Sơ hở là con đầu đàn dẫn cả bầy lẻn vào nhà người ta. Nó nhảy phóc lên bàn thờ nhai mấy nải chuối cúng ngon lành. Chưa yên, nó quay sang tủ kiếng, bỗng thấy một con dê oai dũng nhìn nó trừng trừng. Tưởng gặp đối thủ đáng gờm, nó liền phóng lên húc mạnh. Vậy là tao ăn đòn sưng đít.”
Nếu nuôi nhốt, bọn “be he” kén ăn hơn mèo gầy. Chúng chỉ nhóp nhép phần đọt non nhất của các loại cỏ, lá non. Cọng nào đã ăn qua thì chúng không hề nhai lại như trâu, bò. Ngày bão, báo hại người nuôi phải chịu lạnh xanh tím môi, dầm mưa đội gió, đi thọc đọt so đũa cho “thầy” ăn tráng miệng.
Vùng nguyên liệu dê lớn nhất cả nước vẫn là Ninh Thuận, Bình Thuận. Nơi có nhiều bãi cát vàng thơ mộng nhưng nóng như thiêu đốt, nhất là vào mùa nắng. Ảnh: internet
Tuy vậy, có lúc trông dê... vua rất dễ thương, nhất là khi “chàng” cười tình với “nàng” - thật tươi, hồn nhiên, vẫn có phần hơi... đểu.
Lắm khi dê cụ cũng bị oan. Nhiều người đồn thổi: dê chúa mỗi sáng, chiều luôn đứng chặn trước cửa chuồng, bắt buộc tất cả dê cái phải đứng yên để “hắn... yêu”, 1 - 2 lần/con. Sai! Chỉ có chuyện dê đực giỏi phát hiện sớm một - hai ngày, thời điểm dê cái “động đực”. Lúc này “hắn” mới ve vãn và... cưỡng ép. Cố tật này, chứng tỏ mũi, mắt và đầu óc dê “chuyên nghiệp” rất bén nhạy.
Nhà báo Ngữ Yên bàn: “Đúng là bậc thầy trị... hiếm muộn, cho bất cứ một bệnh viện quốc tế nào!” Và như vậy, giai thoại sau cũng có cơ sở: thời Tây Tấn, các vua Tàu có quá nhiều cung phi đến nỗi không nhớ được tên. Hằng đêm, ngài ngồi xe dê đi “ban ơn mưa mốc” cho quí bà. Hễ xe dừng lại trước phòng nào thì vua chiều ý... “thầy”.
Dê vàng son!
Dê chồng lắm tài thì công trạng dê vợ cũng không nhỏ, đó là khoản sữa. Theo các tài liệu dinh dưỡng, sau sữa mẹ, sữa dê bổ dưỡng hơn cả sữa trâu, bò. Nhà báo Ngữ Yên thì công nhận sữa dê bổ dưỡng “xem xem” sữa mẹ. Bởi con gái đầu lòng của anh, đã nhờ sữa dê của một cha - nhà thờ - ở Nha Trang, cấp dưỡng mới lớn khôn, thời bao cấp.
Ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thân vương triều Nguyễn, sành y thực (ăn uống thay thuốc), ở Gò Vấp, TP.HCM còn tiết lộ, lấy sữa dê trộn với ít mật ong hoặc nước ép cây chuối hột non trị các vết bỏng rất mau lành và không để lại sẹo.
Được biết, xưa đoàn quân - dân mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng luôn dẫn theo một bầy dê cỏ. Dù sống kham khổ, nhưng dê mẹ không hề bị tắt sữa. Nhờ vậy, quân lính có thuốc hay trị các vết thương phòng của phía địch.
Cũng nhờ những cốc sữa dê thơm ngon giàu dưỡng chất, nên số binh lính bị thương nặng hay người già bệnh hoạn sớm bình phục. Tiếc rằng, nghề nuôi dê lấy sữa ở nước ta vẫn chưa noi gương bò!
Bàn chải, món khoái khẩu của dê miền Trung. Ảnh: internet
Đồng thời nhiều tiệc khao quân, tế lễ của chúa Nguyễn vẫn thường ngã dê cỏ tơ. Những chú dê đực, lông màu nâu hổ phách điểm đốm trắng từ ức xuống bụng và phần lông gần móng cũng nâu hổ phách, “móc hàm” (ra thịt) xong nặng cỡ 9 - 11 ký, sẽ lìa đàn để làm tròn “nhiệm vụ cao cả”.
Đến thời vua Minh Mệnh, nghệ thuật chế biến các món dê đã hoàn thiện đến ngưỡng y mỹ thực (ăn thay thuốc tới mức hoàn hảo). Trong đại tiệc khoản đãi phái đoàn nước Tàu sang phong vương, thời đó, gồm 50 món sản vật quí hiếm từ trên trời xuống dưới biển, cả rừng già như yến sào, vây cá mập... vẫn không thể thiếu món thịt dê.
Vậy thịt dê bổ dưỡng đến độ nào?
- Ông Ưng Viên cười bí hiểm, giải thích rỉ rả: Trước nhất thịt dê hiền, ăn vào không gây nhức mình và nhỏ gọn hơn thịt trâu. Quan trọng hơn, dê thịt giúp ôn (ấm) dương, rất có lợi cho quý ông.
Nói thế, giới nữ ăn dê chẳng bổ béo gì nhiều?
-Sai lầm lớn và căn bản ở kiểu nghĩ này. Bởi bình thường, trời sinh mỗi con người đều chứa cả âm - dương. Tuy nhiên, người nữ thường mạnh âm nhưng yếu dương. Nam thì ngược lại. Cho nên, phụ nữ cần ăn thịt dê hơn đàn ông để cơ thể quân bình âm dương, nhằm đạt độ: ôn - lương (mát) - bình - bổ.
Vua Minh Mệnh có tới 142 người con, trị vì sáng suốt phải chăng ít nhiều nhờ các món dê “tinh túy”?
-Đúng một phần, nếu biết phối dụng chính xác bài thuốc Bắc đi kèm.
Đi lên trung lưu từ dê. Ảnh: danviet.vn
Xin thầy tiết lộ!
-Đừng quá nôn nóng mà vội nghĩ thịt dê chỉ bổ chốn phòng the. Thịt dê có thể giúp cơ thể sảng khoái, suy nghĩ tốt hơn (dê nhã thực) hay giúp thanh lọc cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất hiệu quả hơn (dê thanh thực) hoặc hỗ trợ cơ thể giải độc qua gan, tuyến mồ hôi, tuyến lệ... (dê tẩy thực).
Thật tuyệt! Nhưng cũng phải có bài thuốc đi kèm ?
-Tất nhiên! Và xin hẹn dịp khác.
Việc tiếp cận với vị thầy thuốc cung đình này cũng như chơi chứng khoán. Trăm lần như một, cứ ngỡ ăn chắc, nào ngờ thua “hộc máu”. Dẫu sao, ta cũng tự hào về một nền văn minh lẫn văn hóa thịt dê của người Việt. Nền văn minh đó, không thể thiếu những gia vị thảo dược được ghi vào sách thuốc của Trung Hoa cổ đại.
Tạ Trí
http://citinews.net/doi-song/bai-1--de---thay-tri-hiem-muon-BY7IVWA/

============================= 
đăng bởi: e.whoiswho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...