13 thg 9, 2011

Truyện kể Bác Ba Phi & những chuyện "cười ra nước mắt"

hồi thời còn là Minh Hải thì cái tỉnh gồm 2 thị xã này (TX. Bạc Liêu và TX. Cà Mau) nổi danh bởi 2 vị là Bác Sáu Lầu và Bác Ba Phi, nhưng sau đó tách tỉnh thì mỗi vị về một tỉnh

Người đàn ông thân hình vạm vỡ, gương mặt chữ điền, đen như than tràm, nói chuyện đưa đôi hàm răng đều như hạt bắp, đôi chân ông gân guốc, hai ống chân dài hơn bốn tấc, nằm ngửa người, chân gác tréo trên bộ vạt của căn nhà ba gian bốn bề rách nát, mắt nheo nheo mỗi khi kể truyện, ông ngâm nga truyện Gác kèo ong mật , Cọp xay lúa... một trong những truyện cười nổi tiếng của Bác Ba Phi... 

Nơi thờ tự Bác Ba Phi

“Lực sĩ Lung Tràm kể truyện”
    Từ Cà Mau, theo tuyến lộ Cà Mau - Đá Bạc, đi khoảng hơn 30 cây số, đến xã Khánh Hưng bao đò vô kênh Chín Bộ, quẹo phải đến kênh Lung Tràm vài trăm mét là đến nhà Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi). Tại đây, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Đáp, là cháu rể kêu Bác Ba Phi bằng ông nội. Được ông giới thiệu người truyền khẩu truyện Bác Ba Phi. Ông nói, dân Lung Tràm xã Tân Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau không ai mà không biết các ông Sáu Nhuận, Bào Văn Thái, Trần Văn Danh... nhưng theo quy luật sanh tử nên hiện nay chỉ còn một mình ông Trần Văn Danh, gọi là ông Năm Danh, ông Năm truyền khẩu. Năm Danh năm nay đã 63 tuổi, nhưng trông vạm vỡ, cao to không khác gì “lực sĩ nơi Lung Tràm U Minh Hạ”. Hôm chúng tôi đến, ông đang đi xã mua dầu bơm nước chuẩn bị sạ lúa, nghe đứa cháu nội báo có nhà báo tới, ông bơi xuồng  quay về.

Kênh Lung Tràm - đường vào nhà Bác Ba Phi
Ông Năm Danh ra bộ theo truyện kể “Gác kèo ong mật”
    Căn nhà của ông chỉ cách phần mộ Bác Ba Phi không đầy 200m, nhưng ông một mực muốn tiếp chúng tại ngôi nhà thờ Bác Ba Phi hiện đang bỏ hoang, mưa nắng bào mòn dột nát, trong nhà chỉ còn có bàn thờ Bác Ba và bộ giường tre. Bà Năm, vợ ông kể lại: “Ngày Năm Danh về với làng này từ hồi còn thanh niên, trông ông khỏe mạnh, cao to, nhưng đi với Bác Ba Phi lại một trời một vực. Bác Ba cao to lắm. Từ nhỏ, ổng hay theo Bác Ba Phi đi làm ruộng, nên thân hình gân guốc và lớn mạnh như thế.

Ông Năm Danh hay hút những hơi thuốc thật dài sau những câu truyện kể
    Nhưng chính Bác  Ba Phi, là những người truyền lại truyện cười dân gian Nam bộ, nó như những truyện cổ tích giữa đời thường đã ăn sâu vào tâm hồn của Năm Danh từ tấm bé. Hồi đó, Năm Danh rất khoái Bác Ba Phi kể chuyện, nhưng lại “ngán” Bác Ba mỗi lần “xỉn” là bắt ông đưa về. “Ngán” nhưng vẫn theo. Những lần nằm trên bắp đùi nghe Bác Ba Phi kể chuyện cho người dân trong xóm nghe bằng những câu chuyện cười ca ngơi sự trù phú của vùng đất U Minh, chuyện về trăn tát đìa, cọp xay lúa, cá lóc ăn dừa khô, chém trực thăng... với những tiếng cười ôm bụng của mọi người, đã làm ông nhớ mãi. Chuyện Ba Phi ngấm vào máu thịt, tâm hồn ông bởi những nghệ thuật ngôn từ, thi pháp kể chuyện dân gian... Ký ức ấy nuôi dưỡng ở Năm Danh và trở thành niềm đam mê kể chuyện cười tiếu lâm Bác Ba Phi từ những ngày vác phảng đi phác cỏ ruộng, kéo ống bơm nước vào ruộng, hay đặt lờ và cả những ngày đi gặt vần công ở tận cánh đồng Ngã tư Chủ Mía... 

Ngồi trước bàn thờ Bác Ba Phi, ông Năm Danh nói chỉ kể những truyện mà chính ông đã được Bác Ba Phi truyền lại
    Ngày 3 tháng 11 năm 1964, Bác Ba Phi qua đời, ông tổn thất lớn về tinh thần. Bởi ông coi ông dượng Ba Phi là thần tượng có một không hai của thế gian này. Ông suy tôn Bác Ba Phi là “Vua Trạng đất phương Nam”. Quyết không thể để truyện cười của Nam bộ mất đi, Năm Danh bắt đầu đem truyện cười Bác Ba Phi kể cho dân làng nghe sau những buổi làm ruộng, vườn, những đêm đi tuần đất về tụ tập nhau uống rượu. Năm Danh vừa lai rai, vừa kể chuyện quên cả thời gian, có khi tàn cuộc vui đến gà gáy sáng vẫn chưa hết chuyện. Tôi hỏi sao thuộc nhiều truyện của Bác Ba Phi quá vậy, Năm Danh cười nói: “Ông Ba Phi là ông dượng của tui, mà tui hồi nhỏ lúc nào cũng theo kè kè ông hết, hễ ông kể mẩu chuyện nào thì tui thuộc làu làu, làm sao mà quên được”. Có những câu chuyện mà tôi tâm đắc, chẳng hạn như kể chuyện Rùa làm ổ cho ông Bảy Bền, ông Năm Tôn nguyên là cán bộ công an của huyện nghe về chuyện hàng trăm con rùa vàng đang làm ổ đẻ trứng trong đám sậy. “Tụi mầy muốn ăn rùa thì tiếp tao dọn hết liếp sậy, tao cho hết mấy ổ trứng rùa về ngoải mà nhậu!” Tưởng Bác Ba nói thật, hai ông liền vác phảng ra phác hết đám sậy, nhưng không thấy một ổ rùa nào. Bác Ba liền nói “ý mà Bác quên, bây giờ mới nửa tháng 11 hà, rùa còn ẩn mình dưới ruộng, nó chưa chịu lên. Thôi vô đây lai rai với tao một vài ly rồi về. Cuối tháng vô đây tao cho đám sậy khác mà bắt”. 

Phần mộ của Bác Ba Phi và hai bác gái

Người giữ “hồn” truyện cười Bác Ba Phi
    Truyện cười của Bác Ba Phi là một pho truyện cười của Nam bộ, nếu như ở miền Bắc có Trạng thì ở Nam bộ có Bác Ba Phi. Hiện nay có nhiều cuộc hội thảo, sưu tầm, nghiên cứu về đề tài này, nhưng có lẽ hiệu quả nhất, gần gũi với người dân ít chữ như vùng Lung Tràm chính là hình thức truyền khẩu. Những người kể truyện Ba Phi như Nguyễn Văn Nhuận, Bào Văn Thái đã về với Bác Ba Phi, nhưng để lại cho đời một hình thức kể chuyện truyền khẩu cho rất nhiều người, như ông Năm Danh, anh Nam Tiên, chị Hai Minh... Có lần tôi cùng người dân trong xóm tập trung ngồi xung quanh bộ giường tre của từ đường Bác Ba để nghe Năm Danh kể chuyện. Những câu chuyện vui như Chém trực thăng, Heo đi cày, Cá trê Lung Tràm, Gác kèo ong mật... mọi người đều cười lên thích thú. Năm Danh vừa kể vừa ra bộ, có lúc lại nằm tréo cẳng ra, tay cầm điếu thuốc đưa lên miệng, nhả khói phì phà theo nội dung câu chuyện. Nhiều đứa trẻ nghe hấp dẫn đến nỗi hả hốc mồm, nước miếng nhễ nhại mà không hay biết. Ông kể từ 2 giờ chiều đến trời tối. Ếch, nhái, ễnh ương kêu inh ỏi mà mọi người vẫn háo hức ngồi nghe.

Nguyễn Văn Đập, cùng con cháu Bác Ba Phi thắp hương trước bàn thờ
    Ông Năm Danh thật vui tánh, nhưng cũng rất dễ “tự ái nghề nghiệp”. Nếu thấy mọi người giục “ừ, ừ hay quá he ông Năm, kể thêm nữa đi thì kể tiếp, có những câu chuyện dài kể tới khô lưỡi mới hết. Cứ kể hết một mẩu truyện là ông năm hút điếu thuốc và uống một ly rượu lấy giọng. Nhưng nếu nói ông Năm nói chữ là tự ái đứng dậy, ra về.

    Chỉ hai, ba năm trở lại đây, khi các ông vua truyền khẩu truyện Bác Ba Phi qua đời, và hiện nay tuổi đã cao, sức yếu, nên ông Năm Danh ít đi xa như thời trai trẻ. Dân trong vùng muốn nghe chuyện thì tới nhà mời. Các đoàn tham quan từ khắp nơi đến viếng phần mộ Bác Ba Phi thì ông đến ngôi nhà thờ Bác Ba hoặc ngồi ngay tại phần mộ làm vài truyện. Ông nói “tui chỉ kể những truyện mà tôi biết từ khi theo ông dượng Ba Phi và được ông truyền lại, truyện thật 100%, chứ những truyện bịa tui không dám kể trước phần mộ ông”.

Và những chuyện “cười” ra nước mắt!
    Những truyện Bác Ba Phi đem lại cho người đời những tiếng cười đến ôm bụng, thì hiện nay mọi người có đến viếng ông chắc hẳn sẽ cười, nhưng “cười đến ra nước mắt!”. Cười cho những đứa cháu nội của ông (con của bà Nguyễn Thị Anh, dâu của Bác Ba Phi) tranh giành phần đất do ông Ba Phi để lại. Ba Phi qua đời, vợ chồng Bà Anh là người thờ tự và khi chồng bà Anh qua đời, Bà chia phần cho các con mỗi người đôi ba công đất. Con thứ ba là Nguyễn Quốc Trị được bà chia cho một phần đất nằm ngang, nhưng ông đòi phải là xuôi theo mặt tiền kênh Lung Tràm. Bà không bằng lòng. Vậy là ông chặt ngón tay thề không lấy đất của mẹ. Người con thứ năm cũng có phần 6 công ruộng, một miếng vườn. Bà túng thiếu nên cố (cầm) cho gia đình đứa con thứ năm 7 chỉ vàng và bằng 30 giạ lúa/năm. Nhưng khi bà lấy lúa thì con của bà ra điều kiện: khi nào bà làm sổ đỏ, tui mới đong lúa. Đến khi bà nhờ đến chính quyền can thiệp thì mới được nhận lúa, nhưng đợi đến mùa sau mới đong. Những tưởng bà Anh ở với người con gái thứ hai cùng với bà để hương khói Bác Ba và tổ đường, nhưng khi con gái có chồng, bà không bằng lòng. Bà phản đối vì người chồng đã có vợ có con. Vậy là con gái thứ hai của bà dọn đồ trong nhà ra đi. Bà Anh cô đơn một mình, bà không dám ở, nên theo con gái thứ tư về tận Cà Mau để sống những ngày còn lại.

Vách nhà nơi thờ tự Bác Ba Phi
    Bà Anh ra đi, để lại một căn nhà ba căn, vách lá đổ rách. Nơi mang tiếng cười đến với mọi người giờ chỉ là nơi lạnh lẽo, hoang sơ. Duy nhất người con rể thứ tư của bà Anh sống có tình có nghĩa. Hằng ngày ông đến quét dọn, thắp hương cho ông nội và tổ đường, ông hiện nay sắp tuổi lục tuần, chỉ mong chính quyền địa phương quan tâm hòa giải sao cho hợp tình hợp lý, để sớm xóa đi nỗi quạnh hiu trong căn nhà – nơi còn đó một di ảnh Bác Ba Phi, ông vua truyện cười của vùng đất phương Nam.

HUỲNH LÂM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

rất mong được sự góp ý của các bạn, kiến thức là vô hạn...!!!

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...